Câu chuyện sản phẩm Bánh Bột lọc Nhà Nụ

Ẩm thực là một trong những nét văn hóa không thể thiếu trong nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Nền văn hóa ẩm thực ở Việt Nam cũng vậy, rất đa dạng và phong phú. Ở mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam lại có một món ăn truyền thống, mang đậm nét đẹp văn hóa vùng miền.

          Yên Định, là một huyện bán sơn địa nằm dọc theo dòng sông Mã, cách thành phố Thanh Hóa 28km về phía tây, là vùng đất nổi tiếng với nhiều đặc sản ẩm thực như: Bánh răng bừa, bánh gai tứ trụ, mắm cáy, chè lam phủ quảng, bánh bột lọc…Những món ăn được người xa xưa vẫn còn tồn tại trong đời sống từ đời này sang đời khác đã trờ thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất xứ Thanh. Bánh bột lọc là một cái tên quen thuộc rất đơn giản, sản phẩm không chỉ là một món ăn vặt hàng ngày mà còn có thể ăn thay cơm các bữa chính hàng ngày.

Bén duyên với nghề cũng chỉ vì thích hương vị của bánh, chị Nụ chủ cơ sở Bánh bột lọc Nhà Nụ cho biết. Một số lần đi ăn cùng bạn bè đã được thưởng thức sản phẩm Bánh bột lọc, cái hương vị thơm ngon, đậm đà khiến chị không thể nào quên được. Chị đã quyết tâm đi học nghề, tham gia các lớp học làm bánh trên mạng, tích lỹ kiến thức và trải qua một số lần thử nghiệm, chị đã thành công món Bánh bột lọc nhân mặn. Mới đầu cũng chỉ định làm để cho gia đình ăn hoặc biếu bạn bè, người thân. Nhưng được mọi người ủng hộ và kích lệ tinh thần, chị đã bắt đầu làm bánh để kinh doanh. Lợi thế là gia đình có cửa hàng bán nước ven đường nên mỗi lần du khách dừng nghỉ chị đều giới thiệu và quảng cáo sản phẩm của mình. Đến nay sản xuất và kinh doanh cũng đã được hơn 4 năm, khách hàng gần xa, các quán ăn trên địa bàn trong huyên, trong tỉnh cũng đều tin tưởng lựa chọn sản phẩm.

          Để làm ra những chiếc bánh đạt chất lượng, công đoạn chế biến, lựa chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Bột được chọn làm bánh là bột năng, bước pha bột cũng là công đoạn khó và cần nhiều sức khỏe nhất. Mới đầu khi chưa có máy móc hỗ trợ phải nhào bột bằng tay mất rất nhiều công sức. Thịt nạc, tôm tươi là 2 nguyên liệu để làm nhân bánh, phải là loại tươi hàng ngày thì khi làm nhân mới có hương vị thơm ngon. Tất cả các nguyên liệu đều được cơ sở mua từ các đại lý lớn, có giấy phép kinh doanh.

          Khi gói bánh đòi hỏi người thợ phải khéo tay, chia bột theo định lượng sẵn, nhân cũng cần được phối trộn theo tỷ lệ, công thức riêng. Gói bánh sao cho không bị hở nhân bên trong. Bên ngoài chiếc bánh được bao bằng những lớp lá chuối tươi. Khi hấp hoặc luộc chín sẽ tạo nên một hương vị thơm ngon, vỏ bánh dai, nhân bánh đậm đà cùng với một chút mùi thơm thoang thoảng của lá chuối tươi.

          Bánh sau khi được gói chưa sử dụng trong ngày, cơ sở sẽ đóng gói hút chân không và bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh. Để có chỗ đứng trên thị trường và được khách hàng tin tưởng trong suốt thời gian qua sản phẩm Bánh bột lọc Nhà Nụ luôn tuân thủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Các sản phẩm trước khi ra thị trường đều được chọn ngẫu nhiên đi kiểm định chất lượng các chỉ số về dinh dưỡng, các chỉ tiêu vi sinh vật… Nhờ những đặc trưng khác biệt cũng như giá trị dinh dưỡng mà sản phẩm Bánh bột lọc nhà Nụ đã dần khẳng định mình trên thị trường, chiếm được lòng tin của khách hàng.

          Hiện nay, cơ sở làm bánh của chị Bùi Thị Nụ đã và đang tạo công ăn việc làm cho 5-6 lao động tại địa phương với mức lương cơ bản từ 5.000.000 đến 6.000.000 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 164.000 cái bánh, doanh thu khoảng 1.230.000.000 đồng. Cơ sở định hướng các năm tới sẽ mở rộng khu sản xuất, đầu tư thêm máy móc để phục vụ cho sản xuất sản phẩm Bánh bột lọc nhà Nụ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hướng tới sản phẩm đặc sản được đông đảo khách hàng biết đến, nâng cấp thương hiệu sản phẩm để được các cấp thẩm quyền chứng nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hóa.